Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

LienVietPostBank dành 22 ngàn tỷ đồng cho vay mắc ca

Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) vừa chính thức đã thông qua phương án phát hành 254 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng với chiến dịch đặc biệt rót vốn vào cây mắc ca. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưởng-Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng LienVietPost Bank.
Thưa ông, tại Đại hội cổ đông vừa rồi LienVietPost Bank có ý định dành 20-22 ngàn tỷ cho việc phát triển cây mắc ca?
 
Đúng vậy, trong điều kiện nguồn vốn dư thừa,  ngành ngân hàng chúng tôi phải tổ chức nghiên cứu kinh tế, tìm ra đối tượng đầu tư. Chẳng hạn như việc phát  triển cây mắc ca, cán bộ tín dụng phải là người nông dân thực thụ để hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng cây mắc ca hiệu quả vào 5-7 năm tới. 
 
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng LienVietPostBank
 
Theo đó, LienVietPostBank sẽ dành 20,000-22,000 tỷ đồng để cho vay phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ không "bỏ trứng vào một giỏ" mà sẽ rót thêm vốn vào lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sạch khoảng 10,000 tỷ đồng trong thời gian tới.
 
Thưa ông, để cây mắc ca phát triển cần những “cú hích” về quy hoạch, chính sách, công nghệ và vốn? Vậy ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
 
Mắc ca đang mở ra triển vọng làm giàu cho Tây Nguyên, giúp phá thế độc canh bất lợi của cà phê, trong khi về dinh dưỡng cây mắc ca lại dư sức cạnh tranh với ca cao và nhiều loại quả cho hạt khác.
Mặc dù vậy, để phát triển cây mắc ca cần vượt qua những “thử thách”. Bởi người nông dân hiện nay còn chưa biết nhiều về cây mắc ca, thậm chí còn “từ chối”. Bên cạnh đó, nguồn giống cây trồng còn hạn chế, chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài nên làm tăng giá thành giống cây trồng. Người nông dân với nguồn vốn thấp sẽ khó tiếp cận và mở rộng vườn cây mắc ca.  
 
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Cây mắc ca có nhiều cơ hội và phát triển sinh trưởng tại địa bàn Tây Nguyên 
 
Thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề đầu ra cho hạt mắc ca tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế vẫn khó khăn. Mặc dù thị trường thế giới vẫn có nhu cầu cao nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được thị trường này…
 
Bởi vậy, để phát triển cây mắc ca thành một cây nông sản chủ lực cần có quy hoạch rõ ràng về vùng trồng cây mắc ca phù hợp về điều kiện khí hậu, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tránh việc trồng vào vùng khí hậu không thuận lợi cây không ra quả hoặc có năng suất thấp gây lãng phí. Bên cạnh các yêu cầu về nguồn giống chất lượng cao, tư vấn kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến, để cây mắc ca mang lại hiệu quả thực sự, cần huy động nguồn vốn ưu đãi và thời gian cho vay dài do thời gian đầu triển khai trồng mắc ca cần đầu tư lớn về giống cây trồng, phân bón hóa chất, hệ thống tưới tiêu, sau 4 năm mới cho quả thu hoạch…
 
Do vậy, với nguồn vốn cho vay dài, giá ưu đãi mới có thể khuyến khích người nông dân chuyển đổi cây trồng sang hướng mới hiệu quả hơn, thay thế hoặc trồng xen canh cây cà phê.
 
Thưa ông trong Đề án Thay đổi giống cây trồng – phát triển cây mắc ca do LienViet Post Bank đưa ra  thì mô hình kinh tế nào sẽ  phù hợp với cây mắc ca tại đây?
 
Như đề án đã trình bày, mô hình kinh tế hộ sẽ phù hợp với cây mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên. Bởi giai đoạn trồng, hái và nhà máy chế biến Mắc-ca tập trung đáp ứng được yêu cầu sấy khô hạt mắc ca. Từ đó, sản phẩm được chuyển tới các công ty chuyên thu mua, xuất khẩu cho người nông dân, đảm bảo việc bao tiêu đầu ra ổn định, giá mua có lãi hợp lý, khuyến khích người nông dân đẩy mạnh công tác phát triển trồng cây  mắc ca. 
 
Đề án của LienVietPostBank về thay đổi giống cây trồng – phát triển cây Mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên dự báo có thể phát triển mắc ca thành một ngành sản xuất hàng hóa có quy mô tương đối lớn, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm mắc ca phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ...
 
Với kinh nghiệm trong việc triển khai thành công Đề án Phát triển Tín dụng Nông nghiệp Nông thôn khu vực Tây Nam Bộ từ năm 2010, tiếp nối bởi Đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ tháng 10/2013, LienVietPostBank dự kiến dành 10.000 tỷ đồng để cho vay hộ nông dân vùng Tây Nguyên thay đổi giống cây trồng.
 
Trong quá trình thực hiện 2 Đề án nêu trên, LienVietPostBank đã xây dựng mô hình Phú Tam Nông, trong đó Ngân hàng đóng vai trò đầu mối kết nối giữa các nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà báo, nhà ngân hàng và nhà bảo hiểm) để tập trung giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hướng lồng ghép cùng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Đồng thời, LienVietPostBank cũng dự kiến xúc tiến trực tiếp đầu tư 5.000 ha mắc ca thông qua Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên Việt nhằm thí điểm mô hình trông cây mắc ca cánh đồng mẫu lớn theo quy trình khép kín: sản xuất – chế biến – tiêu thụ...
 
Để tạo điều kiện phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên nhằm giúp bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên thay thế dần cây cà phê hiệu quả càng ngày càng thấp vì cây già cỗi, sản lượng thấp và nguồn nước tưới cà phê ngày càng cạn kiệt, cần có chính sách ưu đãi về thuế và có chính sách quy hoạch vùng bài bản, hiệu quả.
 
Chúng tôi cũng kiến nghị Nhà nước có giải pháp chỉ đạo các cấp có thẩm quyền, các nhà khoa học vào cuộc đưa ra những kết luận xác đáng, đồng thời phải có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại khác đồng hành với LienVietPostBank và nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn cho nông dân bằng xây dựng gói cho vay đặc thù, lãi suất thấp phục vụ việc thay đổi cây trồng tại địa bàn Tây Nguyên ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét