Ở Talentpool, hoa, kẹo, mùi thơm của hương liệu tự nhiên, sữa và nhạc luôn có sẵn để mọi người có thể cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan tại doanh nghiệp nhỏ, xinh này.
Câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp có vẻ như luôn là đề tài khô khan đối với mọi người với những khẩu hiệu, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh,... Tuy nhiên, qua cách tiếp cận của chị Đỗ Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hội tụ Nhân tài (Talentpool), người có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng, marketing, đào tạo và tư vấn quản lý cho nhiều tổ chức trong và ngoài nước, đó thực sự là chủ đề thú vị đối với các chủ doanh nghiệp nói chung và những người làm công tác nhân sự nói riêng.
Chị Đỗ Thùy Dương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hội tụ Nhân tài (Talentpool)
Văn hóa doanh nghiệp: Không có chuyện xây hay không xây
Theo chị Dương, văn hóa doanh nghiệp không phải câu chuyện xây hay không xây, vì nếu bạn không xây thì nó vẫn tự hình thành. Văn hóa doanh nghiệp là thói quen, lề lối doanh nghiệp hình thành nên một cách vô thức hoặc chủ động. Nhưng nếu để văn hóa doanh nghiệp qua tầm kiểm soát sẽ rất nguy hiểm. Và dù muốn hay không, cá tính, tầm nhìn, kĩ năng, khả năng lãnh đạo doanh nghiệp của người làm chủ ảnh hưởng vô cùng lớn đến văn hóa doanh nghiệp.
Đối với những bạn trẻ mới ra trường, nếu được tham gia làm việc tại công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt, bạn sẽ cảm ơn suốt đời vì đã giúp hình thành nên nhân cách, suy nghĩ và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong bạn. Còn nếu lỡ sa chân vào doanh nghiệp có văn hóa không tốt, bạn sẽ có hai xu hướng: một là “gần mực thì đen” hoặc là bứt ra khỏi công ty và mãi nhớ về nó như một kỉ niệm buồn.
“Đã nhiều năm, những trường đại học hàng đầu Havard, Oxford đào tạo ra những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, đưa ra con số những người giàu nhất thế giới tốt nghiệp tại những ngôi trường danh tiếng này. Tuy nhiên, họ không đưa ra bất cứ thống kê nào cho thấy họ có hạnh phúc hay không. Có bao giờ chúng ta tự hỏi những người Việt từng tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng giờ sống sao ở Việt Nam. Việt Nam có một lợi thế vô cùng lớn vì là người đi sau. Tất nhiên mình không quá AQ vì có những nét văn hóa mình được ngấm từ truyền thống dân tộc. Đó cũng là cái chúng ta không chối bỏ. Khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chúng ta nên nhớ rằng tính cách của một quốc gia, dân tộc, một tỉnh, thành ảnh hưởng vô cùng lớn đến văn hóa doanh nghiệp nơi đặt trụ sở.
Rất khó để làm toàn diện văn hóa doanh nghiệp, mà nên làm từng bước, tập trung vào điểm mạnh”, chị Dương cho hay.
Thế giới bắt đầu phẳng ở thị trường nhân sự
Chị Dương cho biết, Talentpool mời đến rất nhiều chuyên gia có tư duy kiểu Mỹ, kiểu Anh, đồng thời thường xuyên chia sẻ với các nhà nghiên cứu phương Đông, họ nghiên cứu rất sâu về các triết lý của Việt Nam, lịch sử, tinh thần, phật học Việt Nam, tôn giáo khác nhau. Suy cho cùng, ai cũng có một đức tin, kể cả khi bạn không tin vào một tôn giáo nào thì đó cũng là một đức tin. Văn hóa là chuỗi giá trị những gì chúng ta tin tưởng. Trong gia đình, chúng ta gọi là nếp nhà; trong quốc gia, dân tộc, chúng ta gọi là tính cách người Việt, người Nhật,...
Hình ảnh chị Đỗ Thùy Dương trên tờ Global. Finland của Phần Lan
Phần lớn chúng ta ngưỡng mộ lòng tự trọng, tính kiên định, khả năng chiến đấu không ngừng và tính hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản trên thị trường Việt Nam. Người Hàn Quốc khẳng định bằng câu chuyện Samsung đi từ một doanh nghiệp bình thường trở thành hàng đầu thế giới. Người Thái Lan khẳng định họ là đất nước chẳng có gì nhưng vẫn có mọi thứ, vì họ biết làm hài lòng mọi người. Người Singapore khẳng định bằng những thứ nhỏ, xinh, toàn mỹ.
Còn Việt Nam, 30-40 năm sau chiến tranh, người ta chỉ biết đến Việt Nam là đất nước quật cường trong chiến tranh. Một sai lầm là người ta nghĩ chỉ có nhà chính trị mới xây dựng được văn hóa Việt Nam, nhưng chưa biết rằng chính trị lan tỏa chậm hơn kinh doanh nhiều.
Câu chuyện tiếp theo chúng ta nên bàn là thế giới không chỉ phẳng ở lĩnh vực công nghệ thông tin mà thế giới bắt đầu phẳng ở thị trường nhân sự. Vậy thì chúng ta ở đây sẽ thế nào nếu một ngày nào đó người lao động nước ngoài đổ tràn vào Việt Nam và sẵn sàng làm bất cứ công việc nào.
“Chúng ta có thể cảm nhận làn sóng những nhà quản lý Mỹ đến từ đầu những năm 1990, sau đó là người Singapore đầu những năm 2000 và bây giờ người Ấn Độ... Đến một lúc nào đó, nếu người lao động ở tất cả các nước đến Việt Nam làm việc, chúng ta sẽ mất đi bản sắc và không có sự khác biệt”, chị Dương nói.
Từ những chia sẻ trên đây, chị Dương đi đến kết luận, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là mạch nước ngầm, mà là linh hồn của doanh nghiệp.
Từ những chia sẻ trên đây, chị Dương đi đến kết luận, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là mạch nước ngầm, mà là linh hồn của doanh nghiệp.
Các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Mô hình xây dựng văn hóa gia đình: Người lãnh đạo giống như “người cha”, giàu kinh nghiệm và có quyền hành lớn đối với nhân viên – “người con”. Trong đó, người lãnh đạo giữ vai trò như người cha biết việc gì cần làm và biết điều gì tốt cho con cái. Đây là loại quyền lực hết sức thân thiện, ôn hòa không hề có tính đe dọa, áp lực.
Mô hình văn hóa tháp Eiffel: Đặc trưng của mô hình này là phân chia lao động hướng vai trò và chức năng. Nhân viên tuân lệnh ông chủ vì họ có vai trò chỉ đạo. Ông chủ có đủ quyền lực pháp lý để ra lệnh cho nhân viên, quyết định các khoản hợp đồng. Mỗi vai trò ở từng cấp độ trong hệ thống thức bậc được mô tả, xếp loại theo mức độ khó, phức tạp và trách nhiệm cùng với mức lương tương xứng.
Mô hình tên lửa dẫn đường: Mục tiêu là nhân tố căn bản đối với mô hình tên lửa điều khiển. Mọi thứ được thực hiện để giữ vững ý định chiến lược và đạt được mục tiêu. Mỗi người đều biết rõ công việc của mình và thù lao của họ được trả theo kết quả đóng góp thực tế. Mô hình tên lửa hướng nhiệm vụ do một đội ngũ hay nhóm dự án đảm trách. Họ phải làm bất cứ điều gì để hoàn thành nhiệm vụ, và cái cần làm thường không rõ ràng và có thể phải tiến hành tìm kiếm.
Mô hình lò ấp trứng: Mô hình văn hóa lò ấp trứng dựa trên quan điểm về cơ cấu tổ chức không quan trọng bằng sự hoàn thiện cá nhân. Người nắm quyền ra lệnh là những cá nhân nghiêm khắc, có những ý tưởng gây hứng thú một cách tự nhiên và nguồn cảm hứng khơi dậy từ tầm nhìn xa đã cuốn hút người khác làm việc với họ. Mô hình này giúp giải phóng con người khỏi những lề lối quen thuộc, trở nên sáng tạo hơn và giảm thiểu thời gian tự duy trì cuộc sống.
Mô hình nhỏ, xinh ở Talentpool: Từ một doanh nghiệp bé xíu, chị Dương và các đồng sự đã chèo lái Talentpool vươn lên và hiện công ty đã có cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp lớn hơn gấp hàng nghìn lần về tổng tài sản, lớn hơn gấp triệu lần về danh mục khách hàng. Chị cho biết, chị luôn học hỏi từ cách doanh nghiệp lớn về và phổ biến lại cho nhân viên. Ở Talentpool, chị yêu cầu trong phòng lúc nào cũng có hoa, kẹo, mùi thơm của hương liệu tự nhiên, sữa trong tủ lạnh và âm nhạc.
“5 thứ đấy lúc nào cũng có ở văn phòng và mình yêu cầu các bạn nữ phải luôn nữ tính. Mặc dù khi ra ngoài, chúng mình là những chiến binh, nhưng hàng ngày vẫn phải nữ tính. Những thứ nho nhỏ thế này nhưng lại cần có trong doanh nghiệp. Bởi khách hàng đến doanh nghiệp của bạn sẽ cảm nhận văn hóa doanh nghiệp bằng các giác quan: họ chạm đến văn hóa doanh nghiệp khi xem các tập tài liệu xinh xắn; nghe văn hóa doanh nghiệp qua các bản nhạc; nếm văn hóa doanh nghiệp qua những viên kẹo bọc đường,...
“Mỗi giám đốc nhân sự là người nhạc trưởng điều hành trong doanh nghiệp của mình để ca bài ca về văn hóa doanh nghiệp. Trong giàn nhạc có nhiều loại nhạc cụ, mỗi nhân viên trong doanh nghiệp lắng nghe bằng những ngôn ngữ khác nhau, quan điểm của họ với văn hóa doanh nghiệp cũng rất khác nhau, độ hiểu biết, hành vi của họ cũng rất khác nhau, nhưng khi bước vào giàn nhạc, dù ca bằng những nhạc cụ khác nhau nhưng phải ca một ca khúc giống nhau. Nếu khéo léo, giám đốc nhân sự sẽ trở thành những người nhạc trưởng thành công không chi phí”, chị Dương nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét