Thực hành tiết kiệm là việc không mấy thú vị với những người ưa thích mua sắm. Tuy nhiên, muốn làm giàu, mọi người cần phải học cách tiết kiệm. Theo Tony Robbins, tác giả của nhiều cuốn sách về tự hoàn thiện bản thân (self-help books) và là diễn giả nổi tiếng về thành công và làm giàu trên thế giới, mỗi người vẫn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền mà bản thân chưa nghĩ đến.
“Buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hạt tiện”. Một khi làm chủ được cảm xúc và hành vi mua sắm, bạn sẽ tiết kiệm được không ít tiền để phục vụ các dự tính kinh doanh và làm giàu của mình. Dưới đây là một số mẹo tiết kiệm khi đi mua sắm dịp cuối tuần.
Lên kế hoạch từ nhà
Đầu tiên là liệt kê những thứ cần mua để giúp bạn định hướng và ghi nhớ được, đồng thời tránh bị cám dỗ bởi những mặt hàng không cần thiết. Bạn cũng tránh dẫn trẻ nhỏ đi mua sắm cùng, bởi chúng rất biết cách làm người lớn “mủi lòng” trước những món đồ chúng ưa thích. Và hóa đơn của bạn khi đó sẽ tăng lên đáng kể.
“Tỉnh” với chiêu giảm giá, khuyến mãi
Theo một nghiên cứu, khi đi mua sắm, các bà nội trợ thường bị thu hút bởi những mặt hàng giảm giá, khuyến mãi. Thế nên có đến 70% khách hàng sẽ mua nhiều hơn kế hoạch. Vì vậy, khi gặp những tình huống này, bạn cần cân nhắc xem món đồ có thực sự cần thiết, nếu không túi tiền của bạn sẽ có nguy cơ bị “đầu độc”.
Siêu thị là nơi bày bán nhiều loại mặt hàng khác nhau và chiêu khuyến mãi, giảm giá, tri ân khách hàng theo đó cũng liên tục được triển khai. Các hãng sản xuất đã bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để nghiên cứu tâm lý khách hàng và cách thức “rút ví” bạn bằng nghệ thuật sắp đặt sản phẩm, những lời giới thiệu “có cánh”.
Nếu để ý, bạn sẽ rất dễ nhận ra ở các siêu thị luôn xuất hiện những biển quảng cáo to, màu sắc bắt mắt đặt ngay lối đi cùng những nhân viên mua hàng chân dài, dáng chuẩn câu khách. Nếu không tập trung vào những thứ thực sự cần mua, bạn có thể bị cuốn vào những chiếc bẫy ngọt ngào này.
Cẩn thận với chiêu bán tăng số lượng
Ví dụ, một vỉ sữa chua có giá 22.000 đồng, nhưng 3 vỉ có giá 60.000 đồng, thay vì 66.000 đồng. Đó là chiêu câu khách nhằm đẩy mạnh số lượng rất phổ biến được các nhà sản xuất tận dụng. Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ mua nhiều sẽ tiết kiệm tiền, vì đôi khi thực phẩm mua nhiều ăn không hết, quá hạn sử dụng sẽ rất lãng phí.
Vì vậy, trước khi mua hàng, bạn hãy cân nhắc xem nhu cầu thực tế của gia đình thế nào để có sự lựa chọn hợp lý nhất.
Mua đồ vừa túi tiền và mang tiền vừa đủ
Hàng hoá hiện nay khá đa dạng, nên bạn cần biết mình có bao nhiêu tiền dùng cho việc mua sắm để tránh mua phải những đồ đắt tiền, dẫn đến “cháy túi” trước khi mua được những món tiếp theo.
Thêm nữa, khi chưa làm chủ được cảm xúc mua sắm, bạn nên mang theo một số tiền dự trù là vừa đủ để tránh mua những thứ không cần thiết.
Thêm nữa, khi chưa làm chủ được cảm xúc mua sắm, bạn nên mang theo một số tiền dự trù là vừa đủ để tránh mua những thứ không cần thiết.
Không đi mua sắm khi đói bụng
“Bí kíp” này thoặt nghe hơi buồn cười, song theo kinh nghiệm của nhiều người, nhất là phụ nữ, họ thường đi siêu thị sau giờ làm để chuẩn bị bữa tối. Khi đói bụng, tâm lý của chị em hay nhặt cho nhiều vào giỏ từ bánh kẹo đến các thực phẩm chế biến sẵn mà quên mất rằng lúc đói bụng, mình “đói mắt” chứ thực ra không ăn nhiều như vậy.
Đi chợ đầu mối và tự làm thức ăn
Gần như tất tật các thứ từ rau, củ, quả đến thịt, cá, hoa tươi,… tại các chợ đầu mối đề có giá mềm hơn rất nhiều so với các chợ, chợ cóc, quầy thực phẩm và siêu thị. Tuy nhiên, bạn cũng cần tìm hiểu nguồn gốc các loại thực phẩm để tránh mua phải hàng Tàu, hàng kém chất lượng, bị nhiễm độc,…
Ngoài ra, nhiều chị em hiện nay có xu hướng tự làm đồ ăn tại nhà vừa tiết kiệm chi phí, lại an toàn vệ sinh. Tiết kiệm nữa thì mọi người có thể đi chợ đầu mối hoặc tìm những mối bán nguyên liệu rẻ.
Tuân thủ được những các nguyên tắc tiêu pha trên đây và không tuỳ hứng đi mua sắm, sau một năm bạn có thể tiết kiệm được kha khá tiền, góp phần hiện thực hoá ước mơ khởi nghiệp dang dở của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét