Samsung luôn tạo cho những người trên thế giới cảm giác mỗi người Hàn Quốc luôn cầm trên tay một chiếc điện thoại Samsung, hình ảnh quảng bá không cần lời.
Như đã đề cập ở bài viết trước “Điện thoại Bphone và hiệu ứng cánh bướm”, ý nói sự nỗ lực của một doanh nghiệp có thể gây ra những thay đổi lớn trong xã hội. Chẳng hạn như câu chuyện của Sony được trình bày trong cuốn sách Made in Japan. Theo đó, năm 1946, Akio Morita và cộng sự lập ra hãng điện tử Sony, cả người Nhật và người Mỹ đều phì cười vì cho rằng những hàng hóa Nhật Bản có chất lượng thấp, làm sao bán được ở Mỹ và châu Âu. Trong suy nghĩ của người Mỹ và châu Âu lúc đó, “Made in Japan” đồng nghĩa với hàng hóa chất lượng thấp. Câu chuyện tiếp theo và thực tế hiện nay hẳn mọi người đã biết.
Kim Woo Choong, cựu Chủ tịch Daiwoo, cũng kể câu chuyện tương tự. Huyndai, Daiwoo và cả Samsung đã phát triển từ niềm tin của những người sáng lập bất chấp định kiến, ác cảm và nghi ngờ của đám đông. Có người thất bại, thất bại nặng nề, như Kim Woo Choong nhưng rồi những người khác vẫn tiếp tục đi.
Tương tự, câu chuyện của Samsung dưới góc nhìn của bạn Vũ Hương Quỳnh, sinh viên Khoa Quốc tế - Trường Korea University cũng rất đáng để nhiều người tham khảo, thay đổi tư duy về hàng nội địa.
Bạn Hương Quỳnh chia sẻ, nhiều khi có sinh viên quốc tế đến khoa, thay vì nói “Welcome to Korea” (chào mừng bạn đến với đất nước Hàn Quốc), Ban Chấp hành nói đùa “Welcome to Samsung Land” (Chào mừng bạn đến với xứ sở của Samsung). Theo bạn Quỳnh, chính cách làm chủ hoàn toàn thị trường đã khiến mọi người Hàn đều ít nhất một lần trong đời sở hữu một chiếc điện thoại Samsung. Và lòng yêu nước cũng là một yếu tố rất nhỏ trong chiến lược PR của Samsung khiến cả một quốc gia sử dụng hàng nội địa.
Tạo ra thị trường của riêng mình
Quỳnh kể, bảy năm trước khi tới xứ sở Kim Chi, việc Quỳnh cầm theo một chiếc điện thoại iPhone 3G khiến nhiều người bạn cảm thấy thích thú. Thì ra toàn bộ thị phần lúc đó do Samsung với LG chiếm lĩnh. Apple cũng đã bỏ ra không ít công sức để thâm nhập thị trường di động tại đây.
Chính việc làm “ông hoàng” trong cả một thị trường khiến người Hàn luôn có tâm lý sử dụng điện thoại Samsung. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền, một thời gian dài Samsung không cần phải cạnh tranh với các “ông lớn” Nokia, Apple, Blackberry. Các rào cản kinh tế cũng đảm bảo tối đa lợi nhuận cho quốc gia này.
Độc quyền hoá mọi tính năng
Ở Hàn Quốc, một chiếc điện thoại Samsung không chỉ giới hạn ở tính năng nghe, gọi,… mà còn kiêm cả thẻ giao thông, thẻ ngân hàng, chứng minh thư,… Samsung đã khôn ngoan liên kết với các cơ quan chức năng và ngân hàng nội địa để giúp người Hàn có được sự tiện nghi nhất khi sử dụng. Và điện thoại Samsung lại một lần nữa độc quyền ở đất nước của họ.
Yếu tố môi trường và thói quen
Các hãng đồ ăn nhanh KFC hay McDonald luôn thu được lợi nhuận cao từ các quốc gia, mặc dù chất lượng đồ ăn chưa phải đã tốt nhất. Vì một lẽ, khách hàng luôn biết bên họ sẽ nhận được những giá trị gì khi bước vào cửa hàng. Họ ngại thử sản phẩm mới, ngại thử thách với đồng tiền của mình khi chưa chắc chắn về lợi ích mà mình nhận được. Samsung trung thành với những thứ mà họ cung cấp từ kiểu dáng cho đến giao diện và phần mềm.
Một yếu tố nữa là môi trường. Khi gần như tất cả mọi người đều dùng điện thoại Samsung, thì có thể bạn cũng sắm cho mình một chiếc như vậy. Theo Quỳnh, những thứ đập vào mắt trong cuộc sống hàng ngày sẽ khiến cho mình có cảm giác muốn sở hữu nó.
Chiến lược bán hàng đỉnh cao
Theo Quỳnh, nếu sở hữu một thẻ chứng minh nhân dân Hàn Quốc, chuyện bạn có thể liên tục đổi điện thoại mới ra mà không mất bao nhiêu tiền là rất bình thường. “Hãy nghĩ đến cảnh, nếu bạn đang sử dụng một chiếc Galaxy Note 3 và có đập nát bét nó ra đi chăng nữa thì khi chiếc S6 ra đời bạn vẫn có thể chạy ra cửa hàng, gia hạn thuê bao và đăng ký máy mới. Cứ liên tục như thế thì mấy ai muốn đổi sang một dòng sản phẩm khác?”
Trên đây là những yếu tố nổi bật nhất khiến người dân Hàn Quốc tin dùng điện thoại Samsung. Đó chính là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp – chính quyền – thị trường. Đó là những tính năng ưu việt mà các đối thủ khác không làm được. Cuối cùng, Samsung hướng đến chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, hướng đến khách hàng, chứ không phải mục tiêu đánh nhanh, thắng nhanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét