Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Giấy phép con hết đường "hành" doanh nghiệp

Bắt đầu từ ngày 1-7-2015, các điều kiện kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu của Luật doanh nghiệp (DN) sẽ bị bãi bỏ và giấy phép con hết đường hành doanh nghiệp?
Giấy phép con hết đường sống
 
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban pháp chế VCCI, tinh thần của Luật DN mới là doanh nghiệp có thể kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào mà luật không cấm.
 
Vì vậy, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi ngành nghề nên doanh nghiệp được tự do mở rộng kinh doanh mà không phải đăng ký, ngoại trừ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy làm thế nào để kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm?
 
Ông Nguyễn Văn Dòng, chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho rằng vừa qua có tình trạng trên luật thì thông thoáng nhưng về thông tư của các bộ ngành lại bóp lại đã làm khó doanh nghiệp.
 
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
 
Riêng ngành in, ông Dòng cho rằng các doanh nghiệp sẽ không được thừa hưởng thay đổi trong Luật DN mới. Ông Dòng dẫn chứng: “Quy định tiêu chuẩn người đứng đầu một doanh nghiệp in ngoài yếu tố vốn, cơ sở còn có hàng loạt điều kiện phi lý như phải tốt nghiệp cao đẳng in. Mà  ở Việt Nam chỉ có một trường cao đẳng in, mỗi năm có hơn 100 học viên tốt nghiệp.
 
Việc cấp lại giấy phép cũng rườm rà mất thời gian của doanh nghiệp, quy định ở ngành chúng tôi trong giấy phép hoạt động phải ghi tên người đứng đầu nên mỗi khi thay đổi người đứng đầu lại phải làm lại giấy này, mà người đứng đầu doanh nghiệp  thì thay đổi thường xuyên. Thậm chí thay đổi địa chỉ một phân xưởng cũng phải đổi lại giấy phép...
 
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu trong ngành in hiện cũng gây nhiều cản trở, muốn xuất khẩu phải được cấp phép từng đơn hàng một, chưa kể thủ tục cấp phép rất nhiêu khê...
 
Ông Nguyễn Văn Dũng - Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cho biết, tại TP.HCM có 3.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng bạc, nhưng theo các quy định của nghị định, thông tư chuyên ngành thì chỉ hơn 150 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, tức chưa được 5% doanh nghiệp được cấp phép.
 
Thay đổi luật đã thông thoáng nhưng phải ngăn chặn việc tùy ý ban hành thông tư gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp trong ngành chúng tôi đi xin giấy phép con theo thông tư phải có chủ quyền nhà, phải ra phòng công chứng để xác định tài sản nhà ở đó được sự đồng ý của đồng sở hữu để làm địa điểm sản xuất kinh doanh. Chưa kể thông tư không quy định cụ thể diện tích tối đa, tối thiểu bao nhiêu nên khi doanh nghiệp khai lên thì hồ sơ bị trả về. Thông tư còn quy định địa điểm kinh doanh phải đảm bảo an toàn môi trường nhưng xin phép rất khó, đến phòng tài nguyên phải điền hàng trăm hạng mục...
 
Đồng tình với điều trên, ông Trần Trịnh Tường - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng luật nhìn đã thông thoáng nhưng xuống phía dưới lại bóp lại.
 
Cụ thể các quy định hướng dẫn trong lĩnh vực cấp phép tạo ra tình trạng nhũng nhiễu. Trong đấu thầu có cả một rừng giấy phép. Thiết kế và xây dựng đòi hỏi năng lực là điều đương nhiên nhưng giờ điều kiện lan rộng thêm đến tư vấn thiết kế cũng đòi giấy hành nghề.
 
Bổ sung nhiều qui định mới
 
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết,  về nguyên tắc các điều kiện kinh doanh hiện nay được xây dựng dựa trên năng lực kinh doanh, sản xuất của người kinh doanh. Trong khi theo Luật Đầu tư mới, mục tiêu của điều kiện kinh doanh phải đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng...
 
Đánh giá về các quy định điều kiện kinh doanh trước đây, ông Cung cho rằng điều này đã khiến chi phí gia nhập thị trường cao, thời gian kéo dài. Nó cũng tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp cực nhỏ, nhỏ và vừa, bất bình đẳng giữa các vùng nhất là thành thị và nông thôn, thậm chí làm thui chột sáng tạo kinh doanh. Quy định điều kiện kinh doanh cũng thể hiện cách thức quản lý của Nhà nước kém, làm trầm trọng thêm thất bại của thị trường lẫn quản lý nhà nước.
 
Nếu một người kinh doanh mà có khác đi điều kiện kinh doanh thì sẽ bị xem vi phạm pháp luật. Ngoài ra có thể bị phạt hành chính hay thậm chí còn bỏ tù, tất cả chỉ vì khác điều kiện kinh doanh đặt ra...
 
Theo ông Cung, có rất nhiều điều kiện kinh doanh đã được bỏ từ năm 2000 nhưng không hiểu sao vẫn bị phục hồi. Việc ban hành trái thẩm quyền rất phổ biến, nhiều nhất là ở ngành y tế, nông nghiệp, ngân hàng và tài nguyên môi trường...
 
“Khi chúng tôi khảo sát DN thì thấy những điều kiện kinh doanh đang đè nặng họ, làm DN không thể cạnh tranh bình đẳng với DN quốc tế. Bởi khi mở cửa ra bên ngoài, nhiều cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp  VN có khi trở thành cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tại VN vì hệ thống kinh doanh có điều kiện của VN. Việc thay đổi quy định điều kiện kinh doanh hiện nay rất cần thiết” - ông Cung khẳng định.
 
Theo đó, từ ngày 1-7-2015 nếu có một điều kiện kinh doanh nào ban hành theo thông tư bởi quyết định của UBND các cấp thì đương nhiên DN không cần tuân thủ. Đồng thời, nghị định hướng dẫn Luật đầu tư sẽ bổ sung thêm cơ chế giám sát những quy định điều kiện kinh doanh mới ban hành. DN cũng cần biết phản ứng, khiếu nại, tố cáo khi cần thiết.
 
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết sắp tới cơ quan này sẽ thực hiện bảng xếp hạng và công bố những văn bản tệ nhất trong năm. Đây là những văn bản quy định gây cản trở sự tự do kinh doanh của DN, người dân. Cùng với đó, những văn bản có tính chất khuyến khích, tạo động lực phát triển DN sẽ được biểu dương, ủng hộ.
 
Theo ý tưởng ban đầu, việc công bố và xếp hạng này sẽ diễn ra hằng năm dựa trên đánh giá, bình chọn của cộng đồng doanh nghiệp. Bảng xếp hạng sẽ phần nào gây sức ép lên các cơ quan chức năng khi ban hành những quy định mới...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét