Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Hẹp cửa với doanh nghiệp nội trong thị trường fastfood

Chuỗi cung ứng sản phẩm chưa chuẩn, chưa đồng nhất từ sản xuất đến tiêu thụ, manh mún, nhỏ lẻ, chưa ổn định về chất lượng và số lượng…là những lý do khiến doanh nghiệp nội khó khen chân vào chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.
Nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài
 
Sau nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam, đến nay 80% nguyên liệu của Lotteria Việt Nam được mua từ trong nước, song số nguyên liệu này được mua chủ yếu từ các DN liên doanh tại Việt Nam, còn DN Việt Nam 100% thì rất hiếm.
 
ff
 
Đại diện Lotteria cho hay “Khi mở cửa hàng đầu tiên, chúng tôi có lấy thịt bò của Việt Nam nhưng độ mỡ không đồng đều. Chúng tôi không tính được tỉ lệ mỡ bao nhiêu nên khi một cái bánh hoàn thành chất lượng không đạt. Sau đó, chúng tôi quyết định xây nhà máy, nhập bò Úc về”.
 
Hiện nay hệ thống nhà hàng BBQ đang phải nhập khẩu 50% nguyên liệu nước ngoài; 50% nguyên liệu còn lại do các DN trong nước cung cấp, chủ yếu là gà, rau, củ, quả tươi.
 
Bà Đỗ Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh chuỗi thương hiệu BBQ Việt Nam cho biết: “Nguồn nguyên liệu trong nước rất hạn chế bởi việc quản lý chất lượng sản phẩm ở Việt Nam chưa tốt; không có nhiều nhà cung ứng lớn, đủ năng lực về số lượng và chất lượng. Do vậy mà BBQ và hệ thống nhà hàng Lotteria ở Hà Nội đang phải nhập thịt gà từ cùng một nguồn, rất dễ bị áp lực về giá cả mà không có sự lựa chọn nào khác”.
 
Còn theo McDonald’s Việt Nam, hiện mới chỉ có hai nguyên liệu cà chua và xà lách là được mua từ Đà Lạt, còn 100% thịt bò được nhập khẩu từ Úc trong khi thịt heo và khoai tây đều được nhập khẩu từ Mỹ... Thậm chí, những đồ dùng cơ bản như hộp giấy đựng thức ăn, ly giấy đựng nước uống cũng đang được nhập khẩu từ các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia.
 
Ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành Mc Donald’s Việt Nam, chia sẻ: “Ngoài rau tươi, bánh mì đã lấy từ nhà cung cấp nội địa, hiện nay Mc Donald’s đã có được nhà cung cấp trứng Việt Nam. Nhưng phải mất cả năm trời để tìm được nhà cung cấp đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Trứng được rửa sạch qua một hệ thống dây chuyền, sau đó vỏ được tráng một lớp dầu để bảo quản”.
 
Đại diện Subway Việt Nam cho biết mô hình cửa hàng là nhượng quyền nên hầu hết nguyên liệu Subway Việt Nam sử dụng theo tiêu chuẩn Subway tại Mỹ. Phần lớn nguyên liệu tại Subway Việt Nam đều phải nhập.
 
Đại diện Subway cũng cho biết họ không tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước vì chất lượng sản phẩm không ổn định. Ví dụ trong 10 loại rau thì phải nhập đến 3, 4 loại, thậm chí cả sốt và bánh mì cũng phải nhập. 
 
Cơ hội phụ thuộc vào chính doanh nghiệp
 
Chưa nói tới việc chen chân vào cuộc đua giành thị phần trong thị trường thức ăn nhanh, cuộc đua trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho các DN ngoại xem ra cũng vẫn còn xa tầm với rất nhiều DN nội. Từ KFC, Lotteria, Buger King... hay mới nhất là “ông lớn” McDonald’s cũng đã có mặt tại Việt Nam nhưng hầu hết những nguyên phụ liệu trong hệ thống các cửa hàng này đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
 
Theo chuyên gia kinh tế Ts. Đinh Thế Hiển, hệ thống cung ứng thực phẩm ở các nước theo chuẩn công nghiệp hóa hiện đại nên giá thành nguyên liệu thấp. Ngược lại, trong nước, chuỗi cung ứng sản phẩm chưa chuẩn, chưa đồng nhất từ sản xuất đến tiêu thụ nên không thể chen chân vào chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.
 
Vissan cũng từng là nhà cung cấp thịt bò xay dùng cho sản phẩm bánh hambuger cho một số thương hiệu thức ăn nhanh ngoại tại Việt Nam. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, chỉ có Jollibee là đối tác của Vissan, còn những thương hiệu khác đã ngưng mua hàng, tìm nhà cung cấp nội địa khác có giá tốt hơn hoặc đầu tư nhà máy chế biến riêng phục vụ cho chuỗi cửa hàng ngày càng mở rộng.
 
Tổng Giám đốc Vissan Văn Đức Mười chia sẻ, để trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho các chuỗi thức ăn nhanh này phải cạnh tranh quyết liệt về giá, chất lượng, dịch vụ, số lượng… Nếu sơ sẩy để “hổng” chỗ nào là khó “lọt” vào tầm ngắm của họ.
 
Ông Mười cũng cho biết, để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, bảo đảm đúng chất lượng thì giá thành bắt buộc phải cao hơn khiến DN nội khó cạnh tranh lại với các DN ngoại ngay tại thị trường trong nước.
 
Thêm vào đó, theo một số hãng thức ăn nhanh, sở dĩ các nhà kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh vẫn khó chọn nhà cung cấp nguyên liệu nội địa 100% là do các DN nội còn manh mún, nhỏ lẻ và không ổn định về chất lượng lẫn số lượng.
 
Ông Nguyễn Thanh Tâm, đại diện Lotteria Việt Nam nói: “Điểm mạnh của các công ty liên doanh lớn hiện đang cung cấp nguồn thịt, rau… cho hệ thống Lotteria là họ có hệ thống phân phối chuyên nghiệp, ổn định về số lượng lẫn chất lượng. Điều này rất quan trọng bởi nếu chúng tôi chọn nguồn nguyên liệu không ổn định, khi gặp sự cố thiếu hàng chẳng hạn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu”.
 
Để trở thành các nhà cung cấp cho những thương hiệu quốc tế ngay tại Việt Nam là chuyện không dễ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là ngay chính các tập đoàn kinh doanh thức ăn nhanh này cũng mong muốn sẽ có được các nhà cung ứng tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển.
 
Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc công ty Good Day Hospitality (đơn vị được phép phát triển thương hiệu McDonald’s tại Việt Nam), công ty sẽ phối hợp với các đối tác nội địa và toàn cầu để phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ, cung cấp cho không chỉ các nhà hàng McDonald’s trong nước, mà khi đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì sản phẩm cũng được cung cấp cho các nhà hàng thuộc hệ thống trên thế giới.
 
Tuy nhiên, có tham gia được vào thị trường thức ăn nhanh với doanh thu khổng lồ này hay không, vấn đề còn lại phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp trong nước.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét