Thời tiết nắng nóng, oi bức không chỉ các cửa hàng điện máy được mùa mà các tiệm sửa chữa, bảo trì máy quạt, máy lạnh, tủ lạnh…cũng kiếm bạc triệu mỗi ngày.
Thu nhập khủng 3 triệu/ngày
Mùa hè, đặc biệt là những dịp nắng nóng cao điểm nhóm của anh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) lại tất bật với công việc sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện tử như tủ lạnh, điều hòa, quạt…
Anh Phương cho biết: “Làm nghề điện lạnh vào mùa hè thì không hết việc, thu nhập có thể lên đến 3 triệu/ngày vì nhu cầu về các thiết bị của người dân tăng cao. Nhóm của tôi có bốn người bao gồm lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng và kiêm luôn việc mua hàng thanh lý”.
Nắm được đặc trưng của công việc là làm một mùa ăn cả năm nên cả nhóm chia nhau mỗi người một khu vực, tận dụng hết công suất lao động trong mùa hè. “Đến mùa đông lạnh chúng tôi vẫn có việc nhưng ít, vì lúc ấy có mấy ai dùng điều hòa, quạt mát”.
Theo anh Phương, vào mùa nắng nóng, thu nhập của các thành viên nhóm cao gấp 5-6 lần các mùa khác. Song, lượng công việc cũng tăng lên tương ứng. Mỗi ngày, một người nhận từ 8 đến 10 khách. Những đợt nắng nóng đỉnh điểm, thường kéo dài 5-10 ngày, 4 thợ trong nhóm anh luôn trong cảnh làm tất bật vẫn không hết việc.
Đa phần khách hàng thường gọi thợ đến tận nhà sửa. Tuỳ theo "bệnh" của máy mà giá dịch vụ được tính khác nhau. Nếu hỏng bộ xả tuyết tủ lạnh, thay mới 250.000-400.000 đồng; thay bộ lốc (bộ khởi động) từ 800.000 đồng cho đến 1 triệu đồng. Bảo dưỡng, vệ sinh điều hoà mỗi lần là 100.000 đồng, nạp gas 250.000 đồng. Đó là chưa kể tiền công thấp nhất cũng 100.000 đồng mỗi lần sửa chữa, thay các bộ phận.
Anh Phương cho biết: “Bảo dưỡng một chiếc điều hòa chỉ mất 30 phút với giá 200 nghìn đồng. 2 tiếng buổi chiều một người có thể bảo dưỡng được cả chục máy thu được tiền triệu. Nếu bơm thêm gas thì giá là 300-400 nghìn đồng. Nhưng có máy "bệnh" phức tạp phải mất vài tiếng đồng hồ.”
"Nếu trường hợp máy bị hỏng nặng, cần thời gian tìm hiểu và khách đồng ý, thợ sẽ mang về cửa hàng. Tuy nhiên, do vận chuyển rủi ro, diện tích chứa tại cửa hàng có hạn, tâm lý khách nghi ngại, nên sửa tại chỗ luôn được chúng tôi ưu tiên. Đây cũng là cách tạo uy tín với khách", anh Phương chia sẻ.
Anh Thành, nhân viên kỹ thuật của một siêu thị điện máy lớn ở đường Trường Chinh, Hà Nội cho biết, trong mùa cao điểm, mức thu nhập của thợ chuyên nghiệp tại đơn vị này, gồm lương và % doanh thu, mỗi ngày khoảng 1 triệu đồng. "Tuy nhiên, nếu nhận sửa, vận chuyển, lắp đặt thêm bên ngoài, thợ làm tích cực có thể kiếm 5 triệu đồng một ngày", anh thừa nhận.
Ngoài sửa, nhóm anh Phương còn thu nhập thêm từ việc bán đồ thanh lý. Nhiều khách có điều kiện sẽ thanh lý các mặt hàng điện lạnh, điện tử với giá cực rẻ. Máy lạnh cũ sau khi làm mới được chạy thử một thời gian. Nếu ổn định và không bị lỗi sẽ bán với giá cao gấp 3-5 lần so với giá mua. Mỗi chiếc máy mua vào, bán ra nhóm cũng thu được vài triệu đồng. Vào mùa cao điểm, tủ lạnh, điều hoà và quạt hơi nước cũ thường cháy hàng.
Đẫm mồ hôi nghề điện lạnh mùa nóng
Làm việc liên tục nhiều tiếng dưới cái nắng 39-40 độ C, không có thời gian nghỉ ngơi, gặp nhiều rủi ro, khó tạo uy tín lòng tin cho khách hàng ngay từ đầu...là những khó khăn mà nghề sửa điện lạnh phải đối mặt.
Anh Hùng, một thành viên chia sẻ, sửa điện lạnh cho thu nhập cao nhưng là nghề vất vả và nhiều rủi ro. Từ khi bắt đầu chớm hè cho đến hết mùa, gần như ngày nào thợ cũng phải chạy đôn chạy đáo. Những ngày trong tuần, khách vắng nhà nên thợ phải làm lúc sáng sớm, giữa trưa hoặc vào buổi tối. Ngày cuối tuần, cả đội phải làm tăng cường từ 5h sáng, có khi kết thúc việc lúc 12h đêm.
“Có những hôm mới 4 giờ sáng, chủ khách sạn gọi điện nhờ sửa máy lạnh, dù hơi cực nhưng phải cố gắng để giữ “mối” làm ăn. Công việc khá nhiều, đôi khi tôi không có thời gian nghỉ ngơi. 2, 3 giờ chiều mới được ăn cơm Anh Hùng, thợ sửa điện lạnh chia sẻ
Nghề này cũng gặp nhiều rủi ro. Nếu thợ không bắt đúng bệnh thì mất uy tín, mất thời gian, mất công, thậm chí còn bị mất tiền. Nhiều máy chỉ bị hỏng một bộ phận, nhưng khi thay mới thì hỏng cả dây chuyền.
"Ngoài ra, có khách khó tính hoặc không có kiến thức chuyên môn, máy hư hỏng nặng nhưng vẫn cho sửa. Đến khi tiền sửa đắt hơn mua máy mới lại nhất định không trả tiền. Vì thế, thợ phải tư vấn thật thuyết phục cho khách hàng", anh Hùng nói.
"Đặc trưng của nghề sửa điện lạnh là ăn đong theo mùa", anh Văn, một thợ khác chia sẻ. Mùa đông, nhu cầu rất ít. Thậm chí, một ngày chỉ 2-3 khách gọi. Thời điểm này, các thợ sẽ kiêm thêm sửa lò vi sóng, máy sưởi, máy bơm, các vật dụng nhỏ, hoặc nhận lắp đặt theo công trình. Thu nhập mỗi người trong ngày vài trăm nghìn đồng, nhưng chi phí đi lại rất tốn kém.
Cũng vì lý do đó nên đến "mùa ăn nên làm ra", nạn móc túi khách hàng rất phổ biến, spam điện thoại hay các diễn đàn. Để giữ uy tín, giữ khách, anh Đạt khẳng định, phương châm của nhóm là không mánh khoé lấy cắp bộ phận hay thay hàng rởm, kê thêm "bệnh" cho máy. Có như vậy mới làm ăn lâu dài được.
“Dù vất vả và nhiều khó khăn nhưng có thể mang lại sự tiện nghi, thoải mái cho khách hàng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình. Chúng tôi luôn tự hào vì công việc mình đã chọn.” Một thợ sửa điện lạnh chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét