Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

2016 - Năm bản lề của khởi nghiệp

Chính phủ đã yêu cầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân, với việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, năm 2016 được coi là năm bản lề, bắt đầu công cuộc khởi nghiệp.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân chia sẻ như vậy tại buổi gặp mặt chuyên gia trí thức kiều bào xuân Bính Thân “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016”, diễn ra ngày 17/2 tại TPHCM.

Nhiều ý kiến tại buổi gặp mặt cho rằng cho rằng vướng mắc, rào cản lớn nhất hiện nay khiến các nhà khoa học nói riêng và kiều bào nói chung ngần ngại trở về Việt Nam là thủ tục hành chính, chính sách quá rườm rà.

Theo ông Ngô Đắc Thuần, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của SSC (Saigon Silicon City), nhiều nghị định, nhiều thông tư thay đổi xoành xoạch, chưa kể nhiều chính sách còn gây khó cho doanh nghiệp.

Ví dụ, với ngành công nghiệp phần cứng, để làm ra cái board mạch bắt buộc phải nhập máy móc về và chỉ cần sử dụng máy second hand, vì vòng đời thiết bị này dài, nếu mua máy mới thì thời gian khấu hao lâu. Tuy nhiên, quy định hiện nay không cho nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng trên 5 năm.

Chưa hết, theo ông Thuần, luật quy định thuế VAT của máy móc thiết bị công nghệ cao nhập khẩu là 0%, trong khi thực tế doanh nghiệp khi nhập về phải đóng ngay 10% VAT và một năm sau mới được hoàn lại.

Đồng cảm với những trăn trở của các trí thức Việt kiều khi về nước công tác, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định “những vướng mắc, rườm rà về thủ tục hành chính, những trở ngại không đáng có trong công tác nghiên cứu, đào tạo và cả thương mại hóa sản phẩm của giới làm khoa học dứt khoát sẽ chấm dứt trong thời gian tới”.

Năm bắt đầu công cuộc khởi nghiệp

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năm 2016 được coi là năm bắt đầu công cuộc khởi nghiệp. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp đang được Bộ ráo riết nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị ban hành.

Trong đó, có một số quy định mới liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp (Star-up Ecosystem), mà cốt lõi chính là quỹ đầu tư mạo hiểm - mới chỉ manh nha tại Việt Nam. Dự kiến trong năm nay Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có quy định một chương, điều về quỹ đầu tư mạo hiểm cho chương trình khởi nghiệp quốc gia.

Mới đây, tại Nghị quyết số 01 năm 2016, Chính phủ đã lần đầu tiên yêu cầu phải “hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như: vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp”. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong quá trình này, nhiệm vụ kết nối giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài đang được quan tâm rất lớn. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng lâu nay cơ quan quản lý vẫn nợ các nhà khoa học hai vấn đề. Đó là cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ và chính sách đãi ngộ, trọng dụng.

“Đến giờ phút này, tôi tạm thoả mãn và "trả nợ" các nhà khoa học bằng hai nghị định: Nghị định 40 về chính sách trọng dụng, sử dụng cán bộ; Nghị định 95 về đầu tư và cơ chế tài chính. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các nhà khoa học trong nước ủng hộ, hoan nghênh những chính sách mới này của Chính phủ và Bộ KHCN. Tôi tin nhà khoa học nước ngoài cũng sẽ thấy những chính sách ấy hỗ trợ rất nhiều khi hoạt động khoa học công nghệ trong nước”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, năm 2015, Bộ KHCN đã ban hành ba thông tư quan trọng gồm Thông tư 55 (hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước), Thông tư 21 (chính sách trọng dụng các nhà khoa học) và Thông tư liên tịch với Bộ Tài chính về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các sản phẩm khoa học. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ nhằm sớm gỡ bỏ các khó khăn để các nhà khoa học phát huy tốt nhất năng lực nghiên cứu của mình.

Bộ trưởng khẳng định các nguồn lực trí thức, đặc biệt là trí thức kiều bào, sẽ được đảm bảo không chỉ về mặt vật chất mà cả những quyền liên quan, từ việc sở hữu trí tuệ cho tới các bằng sáng chế, phát minh được thực hiện tại Việt Nam.
Nguồn: Chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét