Với quyết định đầu tư thêm 28 triệu USD của hai đối tác ngoại này (Goldman Sachs 3 triệu USD, Standard Chartered Private Equity 25 triệu USD), MoMo là công ty FinTech đầu tiên tại Việt Nam nhận khoản tiền khủng nhất từ trước tới nay.
Theo chia sẻ của ông Bert Kwan, phụ trách khu vực ASEAN của Standard Chartered Private Equity, thông qua khoản đầu tư này, đơn vị ông mong muốn hỗ trợ MoMo trong việc thúc đẩy các dịch vụ tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Hiện tiềm năng phát triển thanh toán điện tử qua các phương tiện như thẻ ngân hàng, ví điện tử ở Việt Nam rất lớn khi vẫn còn khoảng 90% giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt. Mức độ sử dụng smartphone đang tăng nhanh là tiền đề để các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán qua di động như MoMo rốt ráo tận dụng các khoản đầu tư, mở rộng hệ thống.
MoMo là công ty FinTech đầu tiên tại Việt Nam nhận khoản đầu tư 28 triệu USD từ đối tác ngoại.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc M_Service kỳ vọng MoMo sẽ tăng tốc và đẩy nhanh sự phát triển thông qua việc liên tục cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới và tập trung chiêu mộ nhân tài... Cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp là Goldman Sachs - đơn vị đã đầu tư 5,75 triệu USD trong năm 2013 và tiếp tục rót ngân sách vào công ty trong đợt gọi vốn lần này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong tương lai, tiền mặt sẽ biến mất hoàn toàn. Xa hơn nữa, thanh toán qua thẻ cũng mất đi và chỉ còn thanh toán điện tử nói chung. Bởi phương thức này có nhiều lợi ích như sự thuận tiện, minh bạch, giảm thiểu tội phạm nhờ dễ dàng kiểm soát sự lưu thông của dòng tiền. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích không sử dụng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước đang tạo động lực cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt đầu tư công nghệ và tiện ích mới.
Cuộc đua sắp tới sẽ sôi động hơn khi MoMo được hai đối tác tăng cường thêm tiềm lực tài chính bằng việc rót 28 triệu USD để mở rộng mạng lưới và tăng tính cạnh tranh.
Hiện tại, MoMo là đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam với hơn một triệu người dùng, thực hiện thanh toán một chạm (one touch payment) khá đơn giản và tiện dụng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ứng dụng của công ty này còn giúp khách hàng có thể chuyển tiền, thanh toán các loại hóa đơn và thương mại điện tử trên di động mọi lúc mọi nơi với hơn 100 dịch vụ như điện, nước, Internet, truyền hình cáp, điện thoại, vay tiêu dùng, vé máy bay, vé xem phim, thanh toán các dịch vụ thương mại điện tử…
Theo ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc M_Service, với số vốn đầu tư mới này, công ty đang và sẽ mở rộng thêm hàng trăm dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cá nhân, từ ăn uống, đi lại, mua sắm, thanh toán trực tiếp ở các cửa hàng… Tại Hà Nội, công ty đã hợp tác với một số hãng vận tải taxi nên người dùng có thể trả tiền xe qua ứng dụng MoMo. Bên cạnh đó, hàng loạt các quán cà phê, quán ăn, chuỗi cửa hàng viễn thông, siêu thị… tại Hà Nội và TP HCM cũng đang sử dụng phương thức thanh toán qua ứng dụng này…
Đối với những người không có tài khoản ngân hàng và điện thoại thông minh, ông Đức cho biết có thể tận dụng hệ thống 4.000 cửa hàng trên 45 tỉnh thành toàn quốc (hoạt động từ 9h-21h mỗi ngày, dự kiến thời gian tới sẽ hoạt động từ 7h). “Hiện chúng tôi phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thu hộ, chi hộ… qua những kênh này”, ông thông tin.
Ngoài ra, để mở rộng hoạt động, đại diện công ty M_Service cho biết sẽ tập trung hợp tác với ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ, cũng như phát triển các điểm chấp nhận thanh toán MoMo đến khắp vùng sâu vùng xa. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng số lượng 4.000 điểm giao dịch đang có lên 11.000 điểm và hướng đến mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng Việt Nam, chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử…”, ông Đức nói.
Để tăng cường tính bảo mật khi sử dụng, ứng dụng MoMo - ứng dụng Mobile Payment đầu tiên ở Việt Nam còn sử dụng công nghệ One Touch Payment. Ứng dụng bảo mật 2 yếu tố (2FA), được hiểu là người dùng phải nhớ một yếu tố và phải sở hữu một yếu tố bởi chính những gì thuộc về họ. Cách xác thực này đang được các “ông lớn” về công nghệ trên thế giới như Apple, Google, Amazon hay Microsoft sử dụng để bảo mật.
Hoài Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét