Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Chính phủ luôn đồng hành cùng startup khởi nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có cuộc gặp gỡ với cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Phó Thủ tướng khẳng định, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tham gia sự kiện có sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho cộng đồng startup Việt Nam như VNG, VCCorp, DTT, Topica, BabyMe… và các bộ ngành.
Cái khó startup khởi nghiệp
Nếu nhìn nhận thẳng thắn, hiện nay hầu hết các mảng này đều do các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, các startup Việt còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề kêu gọi nhà đầu tư, hạn chế về nhân lực...
Ông Trần Anh Dũng, Tổng Giám đốc MOG thẳng thắn nêu quan điểm: Vấn đề gọi vốn cho một nhà đầu tư vào rất khó khăn, tuy nhiên khi đã gọi được vốn lại gặp nhiều vấn đề rắc rối liên quan đến giấy chứng nhận đầu tư, thời gian có khi lên tới 6 tháng. Đây được xem là bất cập lớn, cần được Chính phủ xem xét, có cơ chế giải quyết phù hợp.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao lưu cùng với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp
Tại Việt Nam đang có sự bất cập đó là các thông tin hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp được hướng dẫn trực tuyến nhưng khi nộp vẫn phải sử dụng văn bản giấy, thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp rất lâu. Trong khi đó như tại Singapore, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại quốc gia này chỉ mất khoảng 3 ngày và các khoản phí đều cho phép được thanh toán trực tuyến.
Ông Nguyễn Hồng Hải, đại diện Becamex lấy ví dụ, một công ty khởi nghiệp mà doanh nghiệp này từng hỗ trợ mất tới 3 tháng vẫn chưa làm xong các thủ tục giấy tờ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối Thương mại điện tử của VCCorp đưa ra một ví dụ mà doanh nghiệp này từng vướng mắc, đó là khi thay đổi giấy phép kinh doanh hoặc có yếu tố liên quan đến đầu tư nước ngoài, thời gian hoàn tất thủ tục rất lâu, có khi phải mất từ 6 – 12 tháng mới xong. Trong khi đó việc hoàn tất dự án của doanh nghiệp có khi chỉ mất 1 tháng.
Nhà đầu tư e ngại bỏ tiền vào startup
Còn ông Trình Tuấn, đại diện startup BabyMe (ứng dụng giúp các bà mẹ chăm sóc sức khỏe) cho hay: Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại khi bỏ tiền đầu tư vào startup Việt Nam do Luật Đầu tư có nhiều giới hạn hoạt động. Cụ thể với trường hợp BabyMe, doanh nghiệp này bắt buộc phải lập công ty tại Singapore, còn công ty hoạt động tại Việt Nam chỉ trên danh nghĩa là outsourcing cho công ty tại Singapore để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Tức là, những gì doanh nghiệp này làm tại Việt Nam lại thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài và thực tế cũng giống như tình trạng chảy máu chất xám. Ông Nguyễn Ngọc Điệp, CEO của Vatgia.com kể lại một câu chuyện mà theo vị CEO này là “cười ra nước mắt”. Trước đây doanh nghiệp này có điều hành một website thông tin điện tử tổng hợp. Tuy nhiên cứ 2 tuần hoặc 1 tháng lại bị phạt một lần, mỗi lần 20-30 triệu đồng do “nội dung bị vi phạm”. Sau đó, do mệt mỏi và không thể duy trì được hoạt động, doanh nghiệp này đã phải trả lại tên miền, còn dữ liệu được một doanh nghiệp khác mua lại và chuyển máy chủ sang Singapore. Hiện nay, website đó đang hoạt động rất hiệu quả, mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, đại diện một startup trong lĩnh vực y tế “than phiền” các dự án đầu tư cho CNTT rất nhiều, nhưng nhiều dự án, doanh nghiệp nhỏ rất khó có thể nhảy vào, bị loại ngay từ ngoài vòng gửi xe.Thực tế cho thấy, cộng đồng startup thường rất nhỏ, không đủ cạnh tranh với doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT hay doanh nghiệp nước ngoài.
Do vậy, nhiều ý kiến từ cộng đồng startup cho rằng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời, tham khảo kinh nghiệm hỗ trợ startup tại nhiều quốc gia khác như Malaysia, Nhật Bản, Israel, Mỹ…bởi nếu không có môi trường khuyến khích khởi nghiệp, sẽ dễ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.
Chính phủ luôn đồng hành cùng startup
Theo đánh giá, tại Việt Nam hiện đang hình thành hệ sinh thái startup. Cộng đồng này rất đa dạng ngành nghề, từ nông nghiệp, y tế…cho tới các lĩnh vực liên quan đến CNTT, truyền thông như thương mại điện tử, game, công cụ search, mạng xã hội, nội dung.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ luôn đồng hành, nghiên cứu, ủng hộ cộng đồng startup từ vấn đề thuế, thủ tục đầu tư kinh doanh, quỹ đầu tư…Đồng thời, đánh giá cao cộng đồng startup với những cá nhân tâm huyết, dám mơ ước, có niềm tin, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Đặc biệt là giữa lúc những người giàu có nhất tại Việt Nam chủ yếu đi lên từ bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thì các startup đang đi lên bằng con đường công nghệ mới.
Về phía Chính phủ  sẽ hết sức ủng hộ, từ vấn đề thuế, thủ tục đầu tư kinh doanh, quỹ đầu tư…dù rằng đó không phải là những vấn đề dễ dàng, phải tìm cách tháo gỡ dần, đừng để chỉ vì chính sách thuế không phù hợp mà nhiều startup người ngồi ở Việt Nam, ăn cơm Việt… nhưng lại mở công ty ở nước ngoài và đóng thuế cho nước ngoài. Và thậm chí, chính sách phải tạo được sự hấp dẫn, sức hút để người nước mở công ty tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ Chính phủ sẽ tham khảo và xây dựng cổng thông tin trực tuyến chung của Chính phủ trên cơ sở tham khảo các quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Singapore, Pháp…; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công lên cấp 3 – cấp 4 thay vì mới chỉ cấp 1, cấp 2 như hiện nay, trong đó vấn đề như hỗ trợ đăng ký kinh doanh trực tuyến phải là vấn đề hàng đầu.
Trước mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý Văn phòng Chính phủ xem xét, lập kênh thông tin ngay trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để các câu hỏi, thắc mắc của cộng đồng startup được chuyển đến chuyên gia, các bộ, ngành liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT… để trả lời các vướng mắc của startup.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Thủ tướng, để phát triển, cộng đồng startup còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết phải kết nối với nhau, doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, chia sẻ dự án. Và thay vì chỉ than khóc, cộng đồng startup hãy đưa ra các kiến nghị vướng mắc từ thực tế để cùng Chính phủ tháo gỡ.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất Đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (dự kiến sẽ trình vào tháng 9/2015), trong đó sẽ đề cập đến những vấn đề “nóng” như quỹ tổ chức, tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Ông Lại Văn Đạo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) gợi ý các lĩnh vực viễn thông, thực phẩm, dược, bảo hiểm, bệnh viện… hiện rất tiềm năng để các startup lưu ý. Nếu cộng đồng startup có dự án tiềm năng, SCIC sẵn sàng cùng đầu tư.
Theo các cộng đồng startup, hiện các doanh nghiệp này vẫn đang dành các khoản ngân sách nhất định để đầu tư cho startup. Becamex vẫn đang tìm kiếm, hỗ trợ startup trong mảng nông nghiệp, y tế, giáo dục, đô thị,  FPT hàng năm cũng dành khoảng 3 triệu USD để đầu tư cho startup khởi nghiệp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét