Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Siêu thị mini – mô hình kinh doanh đầy tiềm năng

Thời gian gần đây số người tiêu dùng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị mini tăng lên đáng kể bởi giá cả ổn định, sự nhanh chóng và thân thiện. Kéo theo đó là sự nở rộ mô hình kinh doanh siêu thị mini về cả số lượng và chất lượng.
Nở rộ mô hình kinh doanh siêu thị mini
 
Trong khi mức tăng trưởng hệ thống cửa hàng của các siêu thị và đại siêu thị là 6% so với năm ngoái, thì mức tăng trưởng của các siêu thị mini lên tới 76%. Nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu có những bước đi nhanh chóng thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này.
 
stmm
 
Siêu thị mini nhỏ hơn các siêu thị “chính quy”, nhưng lớn hơn cửa hàng tạp hóa, được trang bị máy tính tiền như siêu thị, nhưng không có nhiều người bán hàng… Điểm "được" của mô hình này, là mua sắm tiện lợi, giá cả "ngang ngửa" chợ dân sinh, thậm chí rẻ hơn, yên tâm chất lượng và dễ dàng "len lỏi" vào từng cộng đồng dân cư san sát nhau trong nội đô. Ngày càng được người dân hướng tới (so với tình trạng xếp hàng chờ thanh toán, tắc đường chờ gửi, lấy xe ở trung tâm thương mại), cộng thêm chi phí đầu tư thấp, thời gian hồi vốn nhanh, rủi ro thấp – siêu thị mini đang cho thấy ưu thế không mini chút nào. Vì vậy mà mô hình kinh doanh gia đình này ngày càng trở nên thân thiện, gần gũi với người tiêu dùng.
 
Chị Như Ngọc, chủ một siêu thị mini trên phố Minh Khai, Hà Nội cho biết, siêu thị của chị chỉ rộng 70m2 nhưng doanh thu mang lại lên tới cả chục triệu đồng/ngày. Khách hàng chủ yếu là người dân sống trong khu vực với nhu cầu về hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng…
 
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết trước đây anh hay mua thực phẩm và hàng hóa ở chợ nhưng do không biết mặc cả nên hay mua phải giá cao. Từ ngày có siêu thị mini gần nhà anh đã yên mua đồ tại siêu thị vì giá cả hợp lý, mặt hàng cũng phong phú…
 
Với sự nhanh chóng, thân thiện, giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian…siêu thị mini đang trở thành xu thế. Nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ trước đây, nay đã nâng cấp lên mô hình kinh doanh này. Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng có ít nhiều cải thiện, đây cũng là kênh phân phối tăng trưởng nhiều nhất. Cũng vì thế mà khả năng cạnh tranh của mô hình này càng mạnh mẽ hơn.
 
Miếng bánh ngon còn bị bỏ ngỏ
 
st
 
Thời gian qua, sự nở rộ mô hình siêu thị mini cho thấy rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên số lượng siêu thị mini đó chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
 
So với năm 2012, số lượng siêu thị mini ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong năm 2014, từ 863 điểm lên đến 1.452 điểm bán. Tốc độ tăng trưởng này tuy ấn tượng, nhưng vẫn còn khiêm tốn hơn rất nhiều nếu so với con số hơn 1 triệu điểm bán lẻ truyền thống ở Việt Nam.
 
"Quy mô thị trường Việt Nam sẽ lớn hơn Thái Lan và trong 10 năm nữa, số lượng cửa hàng có thể đạt con số 15.000 trên toàn quốc", ông Kigure Takahiko - Giám đốc Điều hành chuỗi FamilyMart đưa ra dự báo.
 
Như vậy, tiềm năng phát triển của thị trường còn rất lớn, cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi nhanh chóng, rõ rệt khiến mô hình bán lẻ hiện đại này trở thành mảnh đất vô cùng tiềm năng.
 
Với các doanh nghiệp, việc đầu tư vào siêu thị mini có lợi thế hơn hẳn so với đầu tư vào siêu thị truyền thống. Trong khi một siêu thị chuẩn cần mặt bằng trên dưới 10.000m2 với số vốn lên tới vài trăm tỷ đồng, thì mở một siêu thị mini đơn giản hơn rất nhiều. 
 
Để đầu tư một siêu thị mini vốn bỏ ra chỉ cần trên dưới 1 tỷ đồng và không cần mặt bằng lớn, số lượng hàng hóa cũng ít nên việc quản lý cũng không tốn nhiều thời gian và công sức. Không chỉ cần ít vốn, ít công sức, mô hình kinh doanh siêu thị mini còn dễ dàng thu hồi vốn. Nếu việc kinh doanh gặp khó khăn chủ đầu tư có thể dễ dàng đóng cửa mà không lo mất nhiều vốn như đầu tư vào các đại siêu thị. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét