Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

“Đất lành” của các quỹ đầu tư mạo hiểm

Mới đây, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài dường như ngày càng chú ý tới thị trường Việt Nam. Đây thực sự là mảnh "đất lành" để các quỹ đầu tư mạo hiểm tìm kiếm cơ hội đầu tư mạo hiểm.
Tiêu dùng thực phẩm hút vốn ngoại
Theo các chuyên gia, năm 2015 lĩnh vực tiêu dùng đang là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình, mới đây, chuỗi café sạch Kafe Group của cô gái trẻ Đào Chí Anh đã nhận được tới 5,5 triệu USD, tương đương với 121 tỷ đồng từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển chuỗi nhà hàng của mình tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác.
Đây được xem là một trong những thương vụ gọi được vốn lớn nhất trong cộng đồng startup (tạm dịch là khởi nghiệp) Việt Nam.Sau hơn hai năm thành lập, Kafe Group đã có tổng cộng 12 cửa hàng. Dự kiến, cuối năm nay Kafe Group sẽ tăng lên 26 cửa hàng.
Rồi 1 startup mới đây là Foody mới đây cũng huy động được sự tham gia của quỹ mạo hiểm hàng đầu thế giới là Tiger Global.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

Fody.vn ra mắt vào tháng 8/2012 và hiện đang là trang đánh giá và tìm kiếm món ngon phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi ra mắt, Foody.vn đã tiếp cận được hơn 10.000 nhà hàng với hơn 5.000 lượt đánh giá. Số vốn đầu tư chủ yếu sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển số lượng người dùng và nội dung của trang.
Thị trường Việt Nam vẫn còn khoảng trống cho mô hình này phát triển, những mô hình kinh doanh tương tự cũng đã thành công tại Nhật Bản và Trung Quốc nên Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent tin rằng Foody có nhiều tiềm năng để trở thành trang đánh giá ẩm thực hàng đầu Việt Nam và startup này sẽ khai thác được lợi thế của mạng lưới tài nguyên rộng lớn của Tập đoàn CyberAgent để tăng cường tốc độ phát triển và giá trị của Foody.
Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent trực thuộc Tập đoàn CyberAgent có trụ sở tại Tokyo và hiện đang mở rộng kinh doanh đến thị trường Đông Nam Á. Số vốn đầu tư trên được thực hiện thông qua CA Asia Internet Fund I, L.P. - một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên hoạt động tại thị trường Đông Nam Á.
Bên cạnh thị trường thực phẩm, các lĩnh vực khác cũng nhận được sự quan tâm lớn của các quỹ. Đầu tháng 10, nhà bán lẻ trực tuyến các sản phẩm cho trẻ nhỏ là Taembe đã nhận được 228.000 USD từ các quỹ đầu tư được dẫn đầu bởi Swiss Founders Fund.
Được thành lập vào 2013, startup này đã đánh đúng vào nhu cầu ngày càng tăng mạnh của các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ và ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu trong năm nay có thể lên đến 20%. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy hiện có 19% người tiêu dùng ở Việt Nam đang nuôi con nhỏ trong độ tuổi 1-2 tuổi, trong khi mức trung bình toàn cầu chỉ khoảng 9%.
Một startup khác là OnOnPay với các sản phẩm tập trung vào cơ chế chi trả thông qua điện thoại di động mới đây cũng nhận được khoản đầu tư trị giá hơn 100.000 USD từ quỹ đầu tư của Singapore là Captii Ventures.
Gần đây, quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là 500 Startup đã đánh tiếng sẽ mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam từ con số 4 hiện nay lên đến 20 trong hai năm tới. Trong khi tập đoàn công nghệ nổi tiếng trong nước là FPT tuyên bố đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với mục tiêu giải ngân 3 triệu USD mỗi năm cho các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ.
Thị trường nhiều  tiềm năng...
Việt Nam có khả năng nhận được tới 1 tỷ USD vốn đầu tư của các quỹ mạo hiểm trong các năm tới nếu mọi chuyện diễn biến thuận lợi.
Không khí sôi động của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước là một tín hiệu rất tích cực cho các bạn trẻ cũng như cho cộng đồng DN Việt Nam. Các quỹ mạo hiểm đều biết được các rủi ro đó, nhưng họ nhận thấy được tiềm năng ở đây - một thị trường hơn 90 triệu dân mà đại đa số là người trẻ tuổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đang dần trở lại cộng với nhu cầu mua sắm, giải trí ngày càng tăng lên sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các quỹ mạo hiểm.
Trước đây, một trong những thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công nhất của các quỹ đầu tư nước ngoài là việc đầu tư vào Cổng vàng của quỹ Mekong Capital. Việc thoái vốn khỏi chuỗi nhà hàng này trong 2014 đã mang lại cho Mekong Capital tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp lên đến 45,1% - một con số rất ấn tượng và giúp Mekong Capital liên tiếp giành được các giải thưởng về đầu tư danh giá.
Trong trào lưu đầu tư của các quỹ lớn vào Việt Nam, ngoài vấn đề tài chính, các DN trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, họ sẽ có cơ hội nhận được các kinh nghiệm quản trị hàng đầu thế giới.
Nhưng ở khía cạnh khác, thành công trong việc kêu gọi đầu tư của các quỹ có lẽ chỉ là bước khởi đầu. Các startup của Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm để triển khai các ý tưởng của mình một cách hiệu quả và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm sau.
Ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm cũng thường xuyên cung cấp vốn cho doanh nghiệp trưởng thành đang ở ranh giới sự phá sản, cần phải tái cấu trúc và chuyển hướng.
Theo số liệu của Dynasty Investment đã công bố, ở Việt Nam có một số quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đang hoạt động khá hiệu quả đó là: Mekong Capital có ba quỹ tổng trị giá 181 triệu USD, VinaCapital có 232 triệu USD đầu tư mạo hiểm, IDG Ventures hiện có ba quỹ trị giá 500 triệu USD, BankInvest có một quỹ tập trung vào thị trường mới nổi trị giá 100 triệu USD, Công ty quản lý quỹ Prudential đã đầu tư 130 triệu USD vào các công ty tư nhân,...
Cho đến nay, các quỹ này đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào các công ty tư nhân, bên cạnh đó còn có những khoản đầu tư chưa được tiết lộ khác. Do đó, có thể dự đoán ở Việt Nam có khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD đã và đang đầu tư vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, và một phần quan trọng của dòng vốn đầu tư này là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với chu kỳ từ hai đến bảy năm.
Có thể nói các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đang diễn ra khá sôi động, thị trường cho lĩnh vực này rất rộng lớn và đa dạng ở nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Rõ ràng Việt Nam đang là mảnh đất lành đối với quỹ đầu tư mạo hiểm và các startup khởi nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét