Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Cẩn trọng với "cơn sốt" cây tỷ đô Sachi

Sau mắc ca, sachi (sacha inchi, peanut inca) được mệnh danh là “vua” các loại hạt, bắt đầu được quảng bá rầm rộ khiến nông dân lên cơn sốt với loại cây mới du nhập về Việt Nam.
Không nên tự phát trồng Sachi
Có xuất xứ từ Nam Mỹ, được đánh giá cao về dinh dưỡng, Sachi dự kiến cho giá trị kinh tế lên tới 350 triệu đồng/ha khi trồng tại Việt Nam. Tên khoa học của Sachi là Plukenetia volubilis L là thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu). Omega-3 trong sachi được cho là chiếm đến 48-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp…
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

Sachi gồm 19 loài, có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon phân bố từ Bolivia tới Mexico nhưng phổ biến nhất là ở Peru, Ecuador và Colombia. Những ngày nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 48 độ C có một thứ cây vẫn kiên gan chống chịu, lá vẫn xanh biếc, hoa vẫn xòe nở và quả vẫn lấp ló như những ngôi sao năm cánh trên giàn. Đó là vườn thử nghiệm Sachi của Công ty CP Sachi Vina thuộc Tập đoàn Tâm Hoàng Việt kết hợp với các nhà khoa học của Khoa Công nghệ Sinh học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết cây sachi được trồng khảo nghiệm ở nước ta từ tháng 4/2014, đến nay đã cho thu hoạch và phát triển tốt. Theo bà Thảo, Sachi trồng khảo nghiệm có tỉ lệ sống trên 95%. Cây bắt đầu ra hoa sau khi trồng 3-5 tháng và sau 6-8 tháng đã cho thu hoạch quả. Sachi đang được các nhà khoa học khảo nghiệm ở nhiều vùng khác nhau tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, dù Sachi được đánh giá có giá trị kinh tế cao, bước đầu khảo nghiệm đạt kết quả khả quan nhưng nông dân không nên tự phát trồng với mục đích phát triển kinh tế. “Để chắc chắn, phải chờ kết quả khảo nghiệm của doanh nghiệp, sau đó Bộ NN-PTNT kết luận công nhận kết quả này và công bố thông tin, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới nên tham gia trồng sachi rộng rãi nhằm tránh rủi ro”.
Chưa có cam kết đầu ra cho Sachi
Bài học về cây mắc ca mà nhiều nơi phát triển ồ ạt một cách tự phát vừa qua cần được lưu ý với các cây trồng mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: "Chúng tôi mới khảo nghiệm được năm thứ nhất, có thể 1-2 năm đầu sachi phát triển tốt nhưng biết đâu năm thứ ba sẽ bị sâu bệnh hay diễn biến bất thường nào đó. Vì vậy, phải tiếp tục khảo nghiệm để có đủ thông tin đánh giá một cách khoa học nhất”.
Dẫu được khá nhiều doanh nghiệp mang về Việt Nam và đưa ra khá nhiều dự báo về triển vọng, nhưng theo các chuyên gia về nông nghiệp, loại này không hề dễ trồng. Nếu để người dân trồng ồ ạt thì họ có nguy cơ gánh chịu những thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế vì chưa có một cam kết nào cho đầu ra.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Theo các chuyên gia  để chắc chắn thành công thì khâu đánh giá và dự báo thị trường là quan trọng nhất, ví dụ giá hạt trên thị trường thế giới (bao gồm cả giá bán buôn, bán lẻ cho người tiêu dùng hay giá nông trại (mua của người nông dân), giá hạt theo tiêu chuẩn nào về tỷ lệ nhân/trọng lượng hạt. Giá nhân theo tiêu chuẩn nào về tỷ lệ nhân cấp 1 (của nhân trên nước/toàn bộ nhân).
Giá cả biến động, tăng ở khu vực châu lục nào, giảm ở khu vực châu lục nào? Mức đầu tư xây dựng cơ bản tính theo chuẩn nào? Năng suất hạt khô bình quân/ha bao nhiêu mới có lãi ở khâu nông nghiệp? Đây mới thực sự là các bước quan trọng không thể bỏ qua khi chúng ta đưa cây trồng sachi mới vào thử nghiệm. Bài học về cây mắc ca mà nhiều nơi phát triển ồ ạt một cách tự phát vừa qua cần được lưu ý.
Cây mắc ca đã vào Việt Nam gần 20 năm, Bộ NN& PTNT, chính là nơi đầu tiên tiếp nhận những dự án nghiên cứu từ nước ngoài, là nơi phát triển những vườn ươm khảo nghiệm trên nhiều vùng miền của cả nước với tổng diện tích sau hai thập kỷ là khoảng 35 ha. Hiện  Bộ NN&PTNT, đã có những đề tài nghiên cứu khoa học kéo dài trong nhiều năm, tốn kém không ít tiền bạc và công sức để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển mắc ca Việt Nam. Cây Sachi cũng vậy, khi người dân ồ ạt trồng, Bộ Nông nghiệp đã có nhiều khuyến cáo mọi thứ mới chỉ  đang ở khâu nghiên cứu, “chưa có căn cứ khoa học”. Do vậy, nông dân nên thận trọng trước loại cây mới du nhập vào Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét