Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Mỹ phẩm giả tràn ngập thị trường

Mỹ phẩm giả giá rẻ là nỗi ám ảnh của phái đẹp. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nghiêm trọng hơn, mỹ phẩm giả còn nguy hiểm tới sức khỏe và sắc đẹp của người dùng.
Mỹ phẩm Trung Quốc đội lốt hàng xịn
 
Thời gian gần đây mỹ phẩm giả giá rẻ được phát hiện ngày càng nhiều khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.  Điều đáng nói là các sản phẩm này được gắn nhãn mác rất tinh vi như có tem mác chính hãng, xách tay hay các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới làm cho người tiêu dùng rất khó phân biệt được thật giả.
 
hhh
 
Các sản phẩm làm đẹp chất lượng kém không chỉ xuất hiện tràn lan tại các chợ đêm sinh viên, các cửa hàng tạp hóa lớn mà còn được rao bán công khai trên mạng. 
 
Gõ cụm từ mỹ phẩm giá rẻ, Google cho hàng trăm nghìn kết quả với đủ loại sản phẩm cũng như thương hiệu, giá giảm 20% thậm chí đến 50%. Các sản phẩm này được quảng cáo với những hình ảnh bắt mắt, với lời cam kết hàng thật giá rẻ. 
 
Ví dụ một bộ mỹ phẩm thương hiệu Hàn Quốc gồm 4 sản phẩm: son gió, chì kẻ mắt, masacra, phấn trang điểm, giá 139.000 đồng với quảng cáo là đã giảm 54%. Giá bán này chỉ bằng giá của một sản phẩm chính hãng. Một bộ 7 mỹ phẩm một thương hiệu Nhật gồm phấn má hồng, phấn nền, kem nền, kẻ mắt nước, son môi, son dưỡng, mascara, giá chỉ 220.000 đồng, giảm đến 74%.
 
Tại các chợ như chợ đêm phố cổ, chợ  sinh viên Vĩnh Hưng, Cầu Giấy, Chợ Xanh, chợ Nghĩa Tân, chợ Phùng Khoang ở Hà Nội, dễ thấy nhiều quầy mỹ phẩm với hàng trăm loại khác nhau. Từ phấn má, phấn mắt, phấn phủ, son môi đến các loại kem dưỡng đêm, dưỡng thể, sữa rửa mặt, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, nước hoa, sơn móng tay…
 
Điều đáng nói là các sản phẩm mỹ phẩm này có giá rẻ bất ngờ. Các loại sơn móng tay có giá từ 3.000-10.000 đồng. Son môi dạng nước có giá 50.000-150.000 đồng. Các loại dưỡng da, phấn má, phấn phủ…thương hiệu nổi tiếng như Lancome, Sheishido, Channel Christian Dio, Elizabeth, Kalvin Klein, Hugo, Debon, …giá cũng rẻ chỉ bằng 1/5 lần sản phẩm chính hãng. 
 
Những sản phẩm này thường thu hút khách hàng có thu nhập thấp hoặc thiếu kiến thức về mỹ phẩm. Bạn Hồng Hà, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “ Vì chưa có tiền mua hàng chính hãng nên thỉnh thoảng mình mua các sản phẩm này dùng tạm như kem bôi tay, sơn móng hay son môi. Chứ mình không dám mua các sản phẩm bôi mặt”.
 
Mặc dù biết mỹ phẩm tại chợ đa phần là hàng giả hàng nhái chất lượng kém những nhiều người vẫn liều mua mà không tính đến hậu quả khôn lường chúng có thể gây ra. Khi được hỏi xuất xứ, chủ hàng luôn giới thiệu sản phẩm chính hãng bị lỗi nên bán giá rẻ hoặc sản phẩm tự chế theo công thức gia truyền, kem trộn nhập khẩu đường tiểu ngạch và gia truyền nên không cần nhãn. 
 
Nhiều mặt hàng nhìn thoáng qua thì giống như hàng xịn, xách tay từ nước ngoài, có cả tem mác chống hàng giả. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ thì đa phần các sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc sản xuất tại các cơ sở nội địa không có giấy phép. 
 
Hậu quả khôn lường và cách phân biệt thật giả
 
Đã có rất nhiều trường hợp vì sử dụng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc mà tự hủy hoại làn da, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cơ thể.
 
Đặc biệt thời gian vừa qua những sản phẩm làm trắng da nhanh chóng được đăng bán tràn ngập trên các trang mạng diễn đàn. Các loại kem trộn, kem ủ tự chế hay gia truyền với nhiều mức giá khác nhau cũng thu hút sự chú ý của rất nhiều chị em phụ nữ. Và thực tế đã có rất nhiều người tiêu dùng ham rẻ, muốn trắng nhanh tức thì đã phải gánh hậu quả như mẩn ngứa nổi mụn, dị ứng, da bong tróc…
 
Theo các bác sĩ da liễu tác hại của những loại mỹ phẩm giả, nhái kém chất lượng thật khó lường vì không qua thử nghiệm. Ngoài việc hiệu quả làm đẹp không chắc chắn, người sử dụng có thể bị viêm da tiếp xúc gây ngứa, sưng, đỏ... Tuy nhiên, đây chỉ là những tác hại nhất thời do da tiếp xúc với những hoạt chất lạ. Nguy hiểm nhất là những biến chứng lâu dài về sau, tùy theo từng loại hoạt chất có trong mỹ phẩm giả có thể gây mụn trứng cá, sạm da, teo da hoặc khô da. Nếu là dầu gội giả sẽ gây rụng tóc, viêm da đầu hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Những loại mỹ phẩm này không có hướng dẫn thích hợp cho từng loại da, người tiêu dùng không biết rõ thành phần, hóa chất và tác dụng thực sự là gì nên không biết được biến chứng sẽ xảy ra trong tương lai như thế nào...
 
Để tránh mua phải mỹ phẩm giả thì người tiêu dùng cần lưu ý nếu một món mỹ phẩm hàng hiệu có giá quá hời so với giá gốc, hãy cảnh giác đó là hàng giả. Tuy nhiên, hiện nay, những món hàng giả "loại một" được niêm yết với giá ngang ngửa hàng thật nhưng chất lượng không lường trước được. Nếu nghi ngờ, bạn cần kiểm tra thêm yếu tố bao bì và điểm bán hàng. 
 
Với mỹ phẩm hàng hiệu, lỗi in chính tả hay bao bì đóng gói bừa bãi, kém sắc sảo là điều không bao giờ được chấp nhận. Thêm nữa, bạn vẫn nên lưu ý tên gọi sản phẩm có thực sự hiện diện trong hệ thống của thương hiệu đó hay không. Việc mù quáng chỉ nhìn tên thương hiệu sẽ đánh trúng tâm lý của những người ham đồ hiệu giá rẻ.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét