Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Những thương hiệu trị giá tỷ đô của Việt Nam

Mới đây một hãng tư vấn của Anh đã công bố Việt Nam có 50 thương hiệu trị giá tỷ đô. Trong đó, mgành viễn thông và ngân hàng thống trị top 10. Vậy đó là những thương hiệu nào? Những giá trị gì tạo nên thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam?
50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam
 
Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) vừa công bố danh sách 50 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam năm 2015 (Vietnam Top 50 brands 2015). Các tiêu chí đánh giá gồm khả năng làm tăng giá trị sản phẩm của một thương hiệu; mức độ ảnh hưởng đối với quyết định mua của khách hàng; chi phí để xây dựng thương hiệu thành công; giá trị mua bán trên thị trường chứng khoán; và khả năng tạo ra lợi nhuận của thương hiệu.
 
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
 
Ngành viễn thông và ngân hàng thống trị top 10 danh sách, gồm Vinamilk, Viettel Telecom, Vinhomes, Mobifone, PetroVietnam Gas, FPT, Vietinbank, Vinaphone, BIDV và Vietcombank. Giá trị thương hiệu lớn nhất là Vinamilk, với hơn 1,1 tỷ USD, gấp đôi cái tên đứng ngay sau là Viettel (580 triệu USD).
 
Brand Finance cũng đánh giá độ mạnh của các thương hiệu theo thang A, AA và AAA. Trong top 10, được đánh giá cao nhất vẫn là Vinamilk với AAA-, sau đó đến Vinhomes và FPT với cùng AA+. Vinamilk và FPT cũng là hai cái tên có tỷ số giá trị thương hiệu trên giá trị doanh nghiệp cao nhất - 23%.
 
Theo danh sách, tổng giá trị các thương hiệu trong top 50 là gần 5,5 tỷ USD. Dù vậy, nếu so với top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm nay, cũng do Brand Finance công bố gần đây, con số này còn khá nhỏ bé. Một đại diện Đông Nam Á có mặt trong top 500 thế giới là PTT (Thái Lan) cũng đã có giá trị 3,6 tỷ USD, còn DBS (Singapore) được định giá 4,4 tỷ USD và Petronas (Malaysia) là 9,4 tỷ USD.
 
Đây là lần đầu tiên các thương hiệu Việt Nam được Brand Finance đưa vào danh sách được định giá hằng năm. Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông lớn như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wallstreet Journal,…
 
Để làm nên những giá trị của thương hiệu
 
Giá trị thương hiệu gồm có bốn yếu tố cấu thành: việc khách hàng nhận ra thương hiệu một cách mau chóng, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ cung cấp trong nhận thức của khách hàng, những liên tưởng của khách hàng khi nghe hoặc nhìn thấy thương hiệu, sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu...
 
Nhận biết thương hiệu là khả năng mà một khách hàng tiềm năng có thể nhận biết hoặc gợi nhớ đến một thương hiệu. Người mua thường lựa chọn thương hiệu mà mình đã biết bởi vì họ cảm thấy được an toàn và thoải mái hơn. Vì theo lệ thường thì một thương hiệu được nhiều người biết đến sẽ đáng tin cậy hơn và chất lượng sẽ tốt hơn. Sự nhận biết thương hiệu sẽ rất quan trọng đối với các mặt hàng tiêu dùng, khi mà mỗi khi mua hàng hóa thì người ta thường hoạch định thương hiệu từ trước. Trong trường hợp này thì những thương hiệu không được biết đến sẽ không có cơ hội được chọn lựa.
 
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc T&A Ogilvy, cho rằng để xây dựng thương hiệu lớn, trước tiên là quá trình nhận thức nội tại, khi doanh nghiệp hoặc chắt lọc, hoặc  “tái định nghĩa” lại công việc kinh doanh của mình nhằm tìm kiếm câu trả lời sâu sắc và ấn tượng cho những câu hỏi cơ bản “tôi là ai”, “tôi đem lại giá trị gì cho người tiêu dùng, cho cộng đồng, cho đất nước”…
 
Xây dựng thương hiệu là xây dựng một mối quan hệ mang tính xúc cảm với công chúng, cho nên, nếu như bản thân anh, các nhân viên của anh, các đại lý, các nhà cung cấp của anh còn không có một cảm xúc đủ mạnh với thương hiệu của anh, thì làm sao chúng ta có thể truyền được cảm xúc đó cho người tiêu dùng và cho công chúng? Cho nên, xây dựng thương hiệu trước tiên phải thông qua truyền thông nội bộ và gắn với việc xây dựng văn hóa của doanh nghiệp, trước khi quảng bá ra bên ngoài.
 
Theo các chuyên gia, để xây dựng những thương hiệu mạnh, hiện nay các doanh nghiệp VN cũng chưa nhận thức được đầy đủ cách thức xây dựng cảm nhận toàn diện của khách hàng về thương hiệu, từ việc thiết kế bao bì, từ thiết kế hay trưng bày tại các điểm bán, từ ngôn ngữ và quy trình giao tiếp của nhân viên bán hàng hay chăm sóc khách hàng. Chúng ta chỉ tập trung xây dựng nhận biết, chứ không xây dựng trải nghiệm, điều đó dẫn đến có những sản phẩm có độ nhận biết cao, nhưng giá trị thương hiệu là thấp. Giá trị tiềm ẩn đằng sau cái tên của thương hiệu đó chính là những liên tưởng riêng có gắn liền với thương hiệu đó...
 
(Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét