Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Kinh doanh hàng Thái: 'Khỏe' vì được nói thật

Lòng tin về các sản phẩm nhập khẩu đến từ Trung Quốc liên tục sụt giảm vì hàng hóa kém chất lượng là lúc hàng Thái Lan lên ngôi. Vì đâu người Thái lại thành công nhanh chóng trong việc mở rộng hệ thống các đại lý ở Việt Nam đến vậy?
Những năm gần đây, hàng Thái liên tục áp đảo hàng Trung Quốc, len lỏi vào nhiều ngõ ngách thị trường Việt. Trong đó, bán lẻ, thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp là những lĩnh vực mà người Thái đang thâm nhập vào Việt Nam.

Không chỉ vậy, hàng hóa Thái Lan còn sang Việt Nam qua các con đường tiểu ngạch như xách tay mà hóa mỹ phẩm, quần áo là các mặt hàng chiếm đa số. Chị Nguyễn Minh Hiền, chủ một cửa hàng tiện ích ở ngõ 294 Kim Mã (Hà Nội) cho biết, trong một lần đi du lịch Thái Lan, sau khi sử dụng rất nhiều dịch vụ ở đây từ ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi lại,... chị đã quyết định thay đổi cung cách bán hàng theo người Thái.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

Chợ Chatuchak (Bangkok, Thái Lan), một trong những chợ trời lớn của thế giới.
“Người Thái họ rất khuyến khích đưa hàng hóa vào siêu thị để tiếp cận đến đông đảo người tiêu dùng. Giá thành sản phẩm mềm, chất lượng cũng khá tốt mà họ cũng chú trọng đến chính sách khuyến mãi nhằm kích cầu như mua 1 tặng 1, mua 200 baht được tặng một sản phẩm trị giá 20 baht,... Khi có ý định mở đại lý bán hàng Thái Lan, tôi đã được người bản địa đưa ra những chính sách chiết khấu hấp dẫn. Nhờ có vé máy bay giá rẻ, vợ chồng tôi rất năng đi Thái thăm thú, cập nhật thị trường để đưa về những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Việt. Bên cạnh các mặt hàng gia dụng, cửa hàng chúng tôi còn nhập thêm cả mỹ phẩm, quần áo, những mặt hàng này thậm chí cạnh tranh với hàng Nhật Bản, Hàn Quốc vì chất bền, đẹp, giá cả phải chăng”, chị Hiền chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Chatuchak, nơi được ví như “thiên đường mua sắm” ở Bangkok, dịp cuối tuần khu chợ có diện tích 1,13 km2 này thu hút từ 200.000-300.000 khách mua sắm. Rất nhiều người Thái tự học và nói tốt tiếng Việt giao tiếp vì lượng khách hàng là người Việt chiếm số lượng rất lớn. Hàng hóa nơi đây đầy đủ chủng loại từ thực phẩm đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, điện tử,... Phong phú nhất là các mặt hàng dệt may với đầy đủ chủng loại, màu sắc, giá cả hấp dẫn. Chắc có lẽ không một ai đến đây mà ra về tay không.
Tại đây xuất hiện nhiều “con buôn” đến từ khắp các nước châu Á, trong đó có người Việt Nam. Những người đi buôn thường mang theo vali, túi xách và mua tầm khoảng 20kg hành lý về nước. Không cần mua với số lượng lớn, chỉ cần mua vài món hàng là mọi người có thể được bán với giá sỉ.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Người Thái bán hàng rất được lòng khách.
Chị Thùy (TP.HCM) chia sẻ: “Cũng từ một lần đi du lịch đến xứ sở chùa Vàng, tôi bị hoa mắt bởi hàng hóa tại các trung tâm mua sắm. Hàng rẻ mà tốt, tôi mua nhiều món về dùng, dùng không hết đem bán. Nhận thấy có thể kiếm tiền được, tôi đã chuyển sang buôn những mặt hàng ưa thích mang về nước bán online”.

Chia sẻ về quyết định kinh doanh các mặt hàng gia dụng Thái Lan, Anh Nguyễn Văn Thủy (Đồng Nai) chia sẻ: “Khoảng 6 năm trước tôi đánh quần áo Quảng Châu về cho bà xã bán. Thời điểm đó, chúng tôi kiếm ăn rất được, mỗi tháng cho thu nhập từ 25-40 triệu đồng. Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc đã thoái trào, niềm tin của người Việt đối với hàng Trung Quốc đã xuống mức thấp. Chúng tôi quyết định nhập hàng Thái về bán, mặc dù lợi nhuận không cao như trước nhưng tôi thấy “khỏe” vì không phải nói dối khách. Hàng hóa, chất lượng Thái ổn, yên tâm về sức khỏe, có thế nào nói thế.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Hàng Thái đang chiếm ưu thế trên sân nhà.
“Ở Thái, cơ sở hạ tầng chưa thực sự vượt bậc so với Việt Nam, nhưng họ đã rèn giũa được những nét tính cách khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chỉ cần bước đến sân bay Thái Lan và làm thủ tục check in, bạn sẽ cảm thấy vui vì mọi người luôn tươi cười và rất chân thành. Người Thái thành công vì họ biết cách làm vừa lòng tất cả mọi người, tôi nghĩ thế”, anh Thủy nói thêm.
Sự phủ sóng rộng rãi các mặt hàng Thái Lan từ chiếc cốc, cục xà bông, giấy vệ sinh đến hàng điện tử, nông sản,... khiến người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn những mặt hàng phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng của mình. Tất cả các mặt hàng với nhiều mẫu mã, chủng loại được nhập khẩu về Việt Nam nhưng giá cả không chênh so với hàng nội địa bao nhiêu.

Có lẽ không bao lâu nữa, hàng Thái sẽ thay thế hàng Trung Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây hẳn cùng là vấn đề làm đau đầu các nhà sản xuất trong nước. Nếu hàng Thái tiếp tục giữ vững phong độ, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để củng cố vững chắc niềm tin của người tiêu dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét